Du học là cánh cửa luôn rộng mở với những người kiên trì và có lòng nhiệt huyết. Con đường mở cánh cửa ấy có thể gian nan, nhưng bạn không hề cô độc, đặc biệt với sự trợ giúp của những người đi trước và … “Du học từ A tới đích”.
Cùng Hotcourses Việt Nam trò chuyện với Trang Ami, tác giả cuốn sách đồng thời cũng là cựu du học sinh Pháp và cựu du học sinh chương trình trao đổi Erasmus ngành Truyền thông quốc tế ở Hà Lan.
VỀ CUỐN SÁCH DU HỌC TỪ A TỚI ĐÍCH
Chào Trang Ami, bạn có thể cho biết điều gì đã tạo cảm hứng để bạn viết nên cuốn sách này?
Kí ức tuyệt đẹp về quãng đời du học và mong muốn truyền cảm hứng lên đường cho một ai đó đã khiến mình muốn viết. Hơn nữa, sau hơn 2 năm làm biên tập viên cho Hotcourses Vietnam và cộng tác viên cho nhiều báo và chuyên trang về Du học trong nước, mình cũng đã tích lũy cho bản thân những kinh nghiệm mà mình cho là hữu ích với đọc giả.
Để một cuốn sách ra đời rất vất vả, đặc biệt là một cuốn sách hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm theo đuổi ước mơ du học. Vậy sự kiện nào trong quá trình viết sách để lại ấn tượng với bạn nhất?
Một trong những điểm nhấn của quyển sách này chính là phần chia sẻ trải nghiệm của các cựu du học sinh, những người đã đang theo học nhiều lĩnh vực khác nhau tại nhiều môi trường học tập đa dạng. Có người là du học sinh đi trao đổi văn hóa ở Indo, có kẻ từng sang New York tham dự hội nghị quốc tế ở trụ sở Liên Hợp Quốc, có kẻ lại đang tít mít với chương trình đào tạo ở một trong những trường Y khoa danh tiếng nhất thế giới. Họ vĩ đại và bận rộn nhưng vẫn dành thời gian để chia sẻ những câu chuyện của mình, và mình vô cùng biết ơn sự hào phóng thời gian này từ nhân vật. Mình đã được truyền rất nhiều cảm hứng mỗi lần đọc trả lời phỏng vấn của nhân vật.
Bạn có thể bật mí một chút về nội dung cuốn sách? Những du học sinh tương lai có thể tìm thấy gì trong cuốn sách này?
Nội dung sẽ xuyên suốt quá trình từ lúc còn phân vân chọn lựa về điểm đến, cho tới khâu chuẩn bị hồ sơ, sắm sửa hành lý lên đường, loay hoay hòa nhập, vượt qua rào cản, tận hưởng cuộc sống du học và cả những trăn trở đi/ở trước khi ra trường. Như đã tiết lộ ở câu hỏi trên, sẽ có cả phần cuối để chia sẻ câu chuyện của những du học sinh đang học tập ở khắp nơi trên thế giới.
Tóm lại, có thể đọc thấy những lời khuyên tủn mủn (ai sẽ là những người bạn có thể nhờ vả khi gặp vấn đề ở trường Đại học) cho tới những vấn đề lớn lao như liệu có thể 100% tin tưởng các bảng xếp hạng trường Đại học toàn cầu.
Cái mình thích nhất ở “Du học từ A tới đích” là nó được viết với phong thái của một quyển cẩm nang, nhưng vẫn chứa đựng những trải nghiệm có thật của tác giả.
Điều gì bạn muốn gửi gắm nhất đến các bạn đọc qua cuốn sách Du học từ A tới đích?
Ai cũng có thể du học, dù cho chiếc thẻ ATM giắt sau túi quần bạn chứa một “gia tài” bao nhiêu chữ số! Và đã lên đường thì phải tới đích!
Dự định ra mắt sách của bạn là gì? Các độc giả muốn sở hữu cuốn sách này có thể liên hệ tại đâu?
Sách sẽ được phân phối ở tất cả các hiệu sách trên cả nước.
Sau xuất bản, mình vẫn muốn duy trì Fanpage “Du học từ A tới đích” để làm nơi khơi nguồn cảm hứng lên đường và chia sẻ bí quyết thành công cho các du học sinh.
Fanpage sẽ tiếp tục được cập nhật những bài báo, hình ảnh, đường dẫn có liên quan đến du học.
VỀ KINH NGHIỆM DU HỌC PHÁP
Trong vô vàn điểm đến du học nổi tiếng trên thế giới, tại sao nước Pháp lại là lựa chọn của bạn?
Vì đây là quê hương thứ 2 của mình.
Có rất nhiều bạn muốn du học Pháp nhưng chỉ biết tiếng Anh, vậy có cần thiết phải biết tiếng Pháp mới được du học tại đất nước này? Bạn có lời khuyên nào cho những bạn muốn du học Pháp nhưng chưa bắt đầu học tiếng?
Tin vui! Theo thông báo mới nhất của Campus France hồi tháng 9, 2014, thì những bạn du học các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh ở Pháp sẽ không cần phải chứng minh năng lực tiếng Pháp như trước đây nữa. Đây là một tín hiệu cởi mở cho những bạn nói tiếng Anh muốn du học Pháp.
Tuy nhiên, theo cá nhân mình thì bạn cũng nên “dắt túi” một số vốn liếng tiếng Pháp căn bản để có thể chủ động trong giao tiếp cuộc sống.
Hotcourses được biết Trang Ami vừa trở về từ chuyến đi dài ngày tới Pháp. Đây là lần quay lại Pháp đã lâu sau khi bạn kết thúc khóa học. Nước Pháp trong bạn lúc này có gì khác so với hồi bạn còn là du học sinh?
Nước Pháp của lần quay lại vừa rồi không còn những buổi sáng cuống cuồng sau tiếng chuông báo thức, chẳng còn cảm giác hồi hộp, lo lo vì những bài thuyết trình, kiểm tra… Nhưng, ngược lại, cũng chẳng còn những gương mặt thầy cô, bạn hiền đợi mình mỗi sáng để hôn chào nhau, để cập nhật cho nhau nghe những câu chuyện phím, để bàn tán xôn xao về một vấn đề xã hội nào mới xuất hiện trên trang nhất báo mạng…
Cũng có những phút trống rỗng, nhưng rồi ai cũng phải lớn lên, phải không?
Bạn có thể gợi ý một số điểm đến không thể bỏ qua khi học tập tại đất nước này?
Mình mê những chuyến xe băng ngang những khu rừng nơi miền Nam nước Pháp, những chuyến dong thuyền ra biển Arcachon, những buổi đêm Lyon gió thốc, những buổi chiều hè vẩn vơ trong công viên Micaud – phố núi Besancon, những cơn mưa chóng vội ở thành phố gạch hồng Toulouse, những con đường quanh co dẫn lên Notre Dame de la Garde nơi phố biển Marseille, những cánh đồng ngập sắc hướng dương, những con phố Trung Cổ ngập tràn âm nhạc của những người nghệ sĩ đường phố… và Paris của những ngày bầu trời se lạnh, âm u.
Mời bạn đưa ra một số thông tin về chi phí học tập và sinh hoạt tại Pháp?
Chính phủ Pháp yêu cầu bạn phải chứng minh một số tiền là 7380 euros/năm hay là 615 euros/tháng (nguồn:france.fr) trong tài khoản. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn có thể sẽ chỉ cần khoảng 5000 euros (bao gồm cả học phí và sinh hoạt phí) cho một năm học – với điều kiện bạn học tại các trường công lập với mức học phí “phải chăng” do đã được nhà nước trợ cấp.
Học phí các trường công lập năm học 2014-2015 cụ thể là 189,10 euros (Cử nhân), 261,10 euros (Thạc sĩ), 396,10 (Tiến sĩ), 615,10 euros (Các trường Kỹ sư). Còn học phí trường tư có thể dao động trong khoảng 3000 đến 10.000/ năm.
Bạn có thể kể tên một số học bổng toàn phần tại Pháp cho sinh viên quốc tế?
Bạn có thể gia nhập vào “Hội săn học bổng Pháp trên Scholarship Planet” để cập nhật đầy đủ hơn nhé!
Theo bạn cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của du học sinh Việt là như nào?
Vẫn có những người bạn Việt Nam của mình tìm được việc làm sau tốt nghiệp ở Pháp, nhưng họ thường phải tìm đến các thành phố lớn, nơi có nhiều cơ hội việc làm hơn. Để có thể xin được thẻ cư trú cho người đi làm, tất nhiên bạn cũng phải thỏa mãn một số điều kiện như mức lương, trình độ học vấn, bảo lãnh của công ty…
Trang đã từng tham gia vào chương trình trao đổi Eramus truyền thông quốc tế chuyên sâu giữa Đại học Franche-Comté, Pháp và The Hague University of Applied Sciences, Hà Lan. Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về chương trình này?
Đây là chương trình trao đổi của trường Đại học của mình (Université de Franche-Comté) và các trường đối tác, mà cụ thể ở đây là The Hague University of Applied Sciences. Chương trình này chỉ dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp năm 2 khoa Thông tin – Truyền thông của Viện Đại học Công nghệ Besancon, cho phép họ theo học một năm trao đổi tại các trường đối tác có đào tạo ngành truyền thông. Vào cuối năm, nếu thỏa mãn được các điều kiện về điểm số của trường đón tiếp, hoàn thành tốt báo cáo và bảo vệ thực tập, sinh viên đó sẽ nhận được bằng Đại học truyền thông quốc tế chuyên sâu(DUCIS) do UFC cấp.
Du học là một con đường khó khăn với nhiều rào cản như tài chính, ngoại ngữ, hòa nhập… Bạn có lời khuyên nào cho các du học sinh tương lai?
Có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về kiến thức và tinh thần trước chuyến đi, có trách nhiệm với việc học của mình và luôn luôn giữ một tinh thần cởi mở trước những trải nghiệm mới mẻ là ba yếu tố sẽ giúp bạn thuận lợi trên con đường du học.