Mỗi quốc gia có bản sắc văn hóa, có phong tục tập quán riêng chính vì vậy khi sang Malaysia du học, học viên Việt Nam cần chú ý một điều sau để tránh bị shock văn hóa:
1. Văn hóa giao tiếp
– Người Malaysia thường mặc áo dài bằng vải hoa, nam giới mặc áo sơ mi không cổ và không được để hở cánh tay, đùi ở những nơi công cộng. Phụ nữ thường mặc áo dài tay. Vì thế, du khách đến Malaysia được khuyến cáo nên chọn lựa những trang phục lịch sự, kín đáo, đặc biệt khi đến những nơi thờ tự. Đặc biệt là không bỏ tay vào túi quần nơi công cộng
Trang phục thường ngày của người Malaysia
– Khi đến thăm các gia đình ở Malaysia, bạn nên gọi điện thông báo trước. Để giày dép phía ngoài trước khi vào nhà và không nên từ chối khi được mời bánh ngọt, vì nếu từ chối sẽ bị cho là mất lịch sự. Và hãy nhớ, khi cho hoặc nhận tiền, quà hãy dùng tay phải!
– Trong giao tiếp người Malaysia rất tuân thủ giờ giấc, coi trọng mũ áo chỉnh tề. Vì vậy nếu bạn có những cuộc hẹn với người Malaysia vì bất cứ mục đích gì thì tốt nhất là bạn nên đến thật đúng lúc.
– Khi gặp nhau, người Malaysia có thói quen sờ vào lòng bàn tay của nhau, sau đó chắp tay lại. Tuy nhiên, họ rất kiêng kỵ việc xoa đầu và lưng người khác. Một lưu ý quan trọng khác là người Malaysia không bắt tay người khác giới đồng thời tránh những đụng chạm kể cả ngẫu nhiên giữa những người không cùng giới. Người có địa vị cao trong xã hội được tôn trọng trong gia đình. Khi có khách đến nhà, người đàn ông cao tuổi nhất trong gia đình Malaysia sẽ là người ra chào khách đầu tiên và thường ngồi ở vị trí tốt nhất hoặc cao nhất;
– Mặc dù bắt tay là một cử chỉ chung cho cả nam và nữ, nhưng theo đạo Hồi, đối với phụ nữ thì gật đầu và mỉm cười sẽ thay cho bắt tay khi họ được giới thiệu với một nam giới, cử chỉ bắt tay chỉ được áp dụng khi người phụ nữ đưa tay ra trước; Khi đến thăm nhà phải gọi điện trước biểu hiện sự lịch sự; Khi đến chơi nhà người Malaysia phải luôn bỏ giầy, dép ở ngoài;
Tay phải luôn được sử dụng để ăn hay đưa hoặc nhận bất kỳ vật gì; Ngón tay trỏ phải không được dùng để chỉ vào địa điểm, đồ vật hay con người, thay vào đó ngón tay cái phải đưa ra và bốn ngón khác nắm lại được sử dụng để ám chỉ những việc trên. Ngoài ra, người Malaysia còn sử dụng toàn bộ tay để chỉ phương hướng nhưng không dùng để chỉ người;
– Chủ đề tốt nhất để bàn luận ở Malaysia là công việc buôn bán, thành tựu xã hội, lịch sử nền văn minh Malaysia, cách nấu nướng món ăn ở các vùng của Malaysia, bóng đá. Không nên bàn luận về chính trị, chủng tộc, mức sống với người Malaysia.
Vào tháng Ramadan, người Malaysia theo đạo Hồi có tục lệ nhịn ăn từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn trong suốt tháng Ramadan. Hết tháng Ramadan, mọi người tổ chức lễ hội lớn kết thúc tháng nhịn ăn. Thường thì các cơ quan Chính phủ đóng cửa trong suốt tháng Ramadan. Tháng Ramadan thay đổi hàng năm tuỳ theo tuần trăng. Những người không theo đạo Hồi nên tôn trọng những người theo đạo bằng cách không ăn hoặc uống khi có mặt họ trong suốt tháng Ramadan này.
2. Tiền tệ
Tất cả các loại tiền tệ mang vào hay mang ra khỏi Malaysia đều phải khai báo qua tờ khai du lịch, được phát tại các điểm xuất nhập cảnh của Malaysia. Theo quy định của chính phủ, người không phải công dân Malaysia được phép đem vào hoặc mang ra khỏi Malaysia không quá 1.000 RM mỗi lần, nhưng không hạn chế ngoại tệ. Tất cả các ngân hàng thương mại không được phép trao đổi ngoại tệ. Tuy nhiên các khách sạn lớn chỉ được phép mua hoặc nhận ngoại tệ thông qua chi phiếu hoặc séc du lịch.
Tiền Ringgit Malaysia
3. Thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan và quy định về hình phạt
Đối với du khách Việt Nam đi du lịch Malaysia dưới 30 ngày không cần xin visa vào Malaysia.
Ở Malaysia, máy ảnh, đồng hồ, bút mực, máy radio-cassette cầm tay, nước hoa, mỹ phẩm, bật lửa đều miễn thuế. Mỗi người khi nhập cảnh vào Malaysia có thể mang theo 200 điếu thuốc lá. Nếu mang theo hàng thuộc diện phải nộp thuế phải đặt cọc một số tiền để tạm nhập. Bạn sẽ được nhận lại một phần. Thường là khoảng 50% số tiền đó, khi rời Malaysia (bạn nhớ mang theo hoá đơn khi mua hàng, biên lai thu thuế hoặc biên lai thu tiền đặt cọc).
Các mặt hàng phải nộp thuế bao gồm thảm, quần áo, phụ kiện quần áo, đồ trang sức, sô-cô-la, túi xách tay, rượu mạnh, đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc lá điếu. Để nhận lại tiền, bạn phải xuất trình món hàng đó khi rời khỏi Malaysia. Những mặt hàng chịu sự kiểm soát ngặt nghèo gồm: thuốc chữa bệnh, trang thiết bị kinh doanh, tiền tệ, sách hoặc các vật phẩm in ấn khác. Các vật phẩm thuộc diện cấm nhập cảnh gồm các mặt hàng: vũ khí, ma túy và các chất gây nghiện, văn hóa phẩm đồi truỵ.
4. Điện thoại, giờ mua sắm, giờ ngân hàng hoạt động
Thẻ trả trước, thẻ gọi quốc tế trực tiếp cho phép sử dụng điện thoại di động không cần đăng ký được bán rộng rãi với giá rất phải chăng. Dịch vụ Internet cũng rất phổ biến, nhất là ở các đô thị. Hầu hết các Internet cafe sử dụng kết nối tốc độ cao. Các quán áp dụng mức giá khác nhau nhưng đa số dưới 5 RM (dưới 20.000 VNĐ/giờ)
Cửa hàng bách hóa và siêu thị thường mở cửa từ 10h00 sáng đến 10h00 tối, còn cửa hiệu nhỏ thường mở cửa từ 09h30 sáng đến 07h00 tối. Ở thủ đô Kuala Lumpur và hầu hết các thành phố lớn đều có cửa hàng mở 24/24 giờ một ngày.
Giờ hoạt động của ngân hàng ở hầu hết các bang là 09h30 sáng – 04h00 chiều (từ thứ hai đến thứ sáu), 09h30 sáng -11h30 sáng (thứ 7), chủ nhật đóng cửa.
Ở Kelatan và Terenganu: 09h30 sáng – 04h00 chiều (từ thứ bảy đến thứ tư), thứ năm từ 09h30 sáng đến 11h30 sáng, thứ sáu đóng cửa.
5. Văn hóa tặng quà
Nên bọc quà bằng giấy màu đỏ tại Malaysia
– Cách tốt nhất là bạn nên tặng những món quà vừa phải. Ngoài ra, bạn nên lưu ý không nên đáp lại những món quà có giá trị lớn hơn giá trị món quà bạn đã nhận trước đó.
– Bạn không nên mở quà trước mặt người tặng
– Nên tặng quà bằng hai tay – Những quà mang tính chất kinh doanh nên tặng như: những cây viết chất lượng tốt, những vật biểu tượng của đất nước hay thành phố của bạn.
– Những quà mang tính chất xã hội như những vật tượng trưng của đất nước bạn hay những thực phẩm cao lương mỹ vị
– Thông thường, trong văn hoá của người Malaysia, nam giới tặng quà cho nữ giới thường dễ xảy ra hiểu nhầm. Do vậy, nếu đồng nghiệp nam muốn tặng quà cho một đồng nghiệp nữ thì nên giải thích rằng vợ mình đã gửi tặng nước hoa, khăn quàng cổ hay những món quà tương tự cho họ.
– Không nên gói quà bằng giấy màu trắng vì màu này được xem như là màu của sự chết chóc. Ngoài ra, cũng nên tránh gói quà bằng giấy màu xanh, đen hay vàng.
Theo: Vinahure