Du học Thụy Sĩ – Thụy Sĩ nằm ở khu vực Tây Âu là một quốc gia hiền hòa và đã được hình thành khá sớm ở Châu Âu, là một trong những quốc gia theo chế độ liên bang lâu đời nhất trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ)
Thụy Sĩ theo thể chế cộng hòa liên bang gồm 26 bang với thủ đô là thành phố Berne và hai trung tâm kinh tế lớn là Geneva và Zurich. Diện tích hơn 41 nghìn km2, dân số khoảng 7.5 triệu người.
Do vị trí địa lí đặc biệt nằm giữa nhiều nước lớn nên ngôn ngữ của Thụy Sĩ rất đa dạng. Đất nước này có tới 4 ngôn ngữ chính thức là tiếng Đức (74%) , tiếng Pháp (20%), tiếng Ý (4%) và tiếng Romansh. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ còn là nước có truyền thống lịch sử về sự trung lập. Đất nước này không xảy ra bất kỳ một cuộc chiến tranh nào từ năm 1815 đến nay và là trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Tổ chức thương mại Thế giới.
Thụy Sĩ là một quốc gia nhiều đồi núi với những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trên dãy núi Alps như những đỉnh núi cao, những dòng sông băng và nhiều hồ nước đẹp. Đất nước này còn nổi tiếng về ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ và được biết đến như một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới.
Khí hậu
Thụy Sĩ chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương và lục địa nên ôn hoà, mát mẻ, nhiệt độ trung bình 12°C. Mùa hè có xu hướng ấm và ẩm vào các đợt mưa, do đó những nơi này rất lý tưởng cho phát triển gia súc và đồng cỏ. Mùa đông thì ít ẩm hơn ở những vùng núi có thể nhận thấy những những khoảng chu kỳ dài có khí hậu ổn định trong vài tuần, trong khi các vùng đất thấp hơn có xu hướng chịu ảnh hưởng ngược lại, trong suốt các chi kỳ này thì không thấy mặt trời trong vài tuần.
Kinh tế
Thụy Sĩ là nước ít về tài nguyên thiên nhiên, là đất nước của đồi núi, với trên 40 dãy núi cao trên 4.000 m so với mặt nước biển với dãy núi Alps nổi tiếng thế giới. Song, Thụy Sĩ lại có mức phát triền vững mạnh đáng kể trên toàn cầu, tuy là nước nhỏ về diện tích, dân số, tài nguyên thiên nhiên nghèo nhưng Thụy Sĩ có vị trí quan trọng về kinh tế-tài chính và hệ thống Ngân hàng uy tín đặc biệt nổi tiếng nhất trên toàn cầu. Thụy Sĩ là một nước công nghiệp phát triển cao ở Châu Âu, trong đó có nhiều ngành đạt trình độ hàng đầu trên thế giới như: cơ khí chế tạo (nổi tiếng nhất thế giới về sản xuất đồng hồ chính xác và sang trọng), điện cơ, hóa chất, dược phẩm, thuốc tân dược, tài chính-ngân hàng, du lịch, đồng hồ, đồ trang sức, dịch vụ và bảo hiểm. Ngoại thương đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Giáo dục và khoa học
Giáo dục Thụy Sĩ rất đa dạng do Hiến phá Thụy Sĩ giao quyền quản lý hệ thống giáo dục cho các bang. Giáo dục Thụy Sĩ cũng bao gồm hai dạng trường công và tư, bao gồm nhiều trường tư quốc tế. Tuổi tối thiểu để đi học tiểu học là 6 ở tất cả các bang, tuy nhiên hầu hết các bang cho phép trẻ đi học nhà trẻ từ 4 hoặc 5 tuổi. Trường tiểu học tiếp tục đào đạo các lớp 4, 5 hoặc 6 tùy từng trường. Theo thường lệ, ngoại ngữ thứ nhất ở trường luôn là một trong các ngôn ngữ quốc gia khác, mặc dù năm 2000, tiếng Anh đã được chọn làm ngoại ngữ thứ nhất ở một vài bang.
Kết thúc tiểu học, học sinh được tách ra theo khả năng của chúng theo nhiều nhóm khác nhau (thường là 3). Những sinh viên nhanh nhạy nhất được dạy trong các lớp nâng cao để chuẩn bị cho việc học cao hơn và matura, trong khi những sinh viên chậm hơn thì chỉ được đào tạo thích hợp với nhu cầu của họ.
Có 12 trường đại học ở Thụy Sĩ, 10 trong số đó được bố trí ở cấp bang và thường giảng dạy những môn học ngoài kỹ thuật. Đại học đầu tiên ở Thụy Sĩ thành lập năm 1460 tại Basel (chỉ có khoa Y) và có truyền thống nghiên cứu về hóa và y ở Thụy Sĩ. Đại học lớn nhất Thụy Sĩ là đại học Zurich với gần 25.000 sinh viên. Hai viện nghiên cứu được tài trợ từ chính quyền liên bang là ETHZ ở Zurich (thành lập năm 1855) và EPFL ở Lausanne (thành lập năm 1969 từ một viện trước đây thuộc Đại học Lausanne) cả hai viện này đều là có tiếng trên thế giới.
Chính trị
Thụy Sĩ theo chế độ cộng hòa với mô hình nhà nước liên bang. Cấu trúc nhà nước liên bang theo 3 cấp: Chính quyền liên bang, chính quyền bang (canton) và chính quyền xã (commune). Nó gồm 26 bang (23 bang có thành viên Hội đồng liên bang).
Quốc hội Thụy Sĩ gồm có Hội đồng quốc gia (National Council) và Hội đồng nhà nước (Council of States) gồm 246 nghị sỹ, nhiệm kỳ 4 năm:
Hội đồng Quốc gia (hay Hạ viện) có 200 nghị sĩ được bầu theo quy định của luật liên bang, được bầu từ 26 bang, mỗi bang là một đơn vị bầu cử. Số lượng nghị sĩ nhiều hay ít tùy thuộc vào dân số lượng cử tri trong từng bang.
Hội đồng Nhà nước (hay Thượng viện) có 46 nghị sĩ và được bầu theo quy định của từng bang.
Mỗi năm, Quốc hội Thụy Sĩ họp 4 kỳ, mỗi kỳ khoảng 3 tuần: kỳ họp mùa xuân; kỳ họp mùa hè; kỳ họp mùa thu và kỳ họp mùa đông. Ngoài ra, Quốc hội cũng có thể triệu tập phiên họp bất thường. Phiên họp đầu tiên của quốc hội mới sau khi bầu cử là việc bầu các thành viên của chính phủ. Tổng thống, chánh văn phòng liên bang, chánh án tòa án tối cao, tòa án bảo hiểm, tòa án quân sự. Cứ mỗi dịp vào cuối năm, quốc hội lại bầu tổng thống, phó tổng thống và chủ tịch quốc hội cho năm sau.
Chính phủ: Hội đồng Liên bang gồm 7 thành viên, nhiệm kỳ 4 năm.
Tổng thống: là Chủ tịch Hội đồng Liên bang luân phiên, được bầu chọn trong số 7 thành viên, nhiệm kỳ 1 năm. Tổng thống và Phó tổng thống thường kiêm luôn cả chức Bộ trưởng một bộ trong Hội đồng liên bang.
Các đảng phái chính trị:
– Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CVP), thành lập năm 1848, hiện có khoảng 99.000 đảng viên (chiếm 20% ghế trong Quốc hội).
– Đảng Dân chủ Tự do (FDP), thành lập năm 1919, hiện có khoảng 60.000 đảng viên (chiếm 20% ghế trong Quốc hội).
– Đảng Xã hội Dân chủ (SPS), thành lập năm 1880, hiện có khoảng 38.000 đảng viên (chiếm 21,5% ghế trong Quốc hội).
– Đảng Nhân dân thiên hữu (SVP), hiện là đảng mạnh nhất trong Quốc hội (chiếm 23% ghế).
– Đảng Lao động, thành lập năm 1920, có khoảng 1.200 đảng viên
Đối ngoại
Thụy Sĩ theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập nhằm giữ độc lập và bảo vệ lợi ích. Mục tiêu của chính sách đối ngoại là bảo vệ, tăng cường vị thế chính trị và kinh tế của Thụy Sĩ trên thế giới. Chính sách đối ngoại trung lập là công cụ quan trọng, xuyên suốt và là nội dung chủ yếu của nền ngoại giao Thụy Sĩ từ 1815 tới nay.
Thụy Sĩ nhấn mạnh chính sách đối ngoại phải dựa trên luật pháp. Luật pháp quốc tế là công cụ để bảo vệ quyền lợi các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhỏ và quan hệ quốc tế cần được tiến hành trên những nội dung, quy định của trật tự luật pháp quốc tế. Do đó, việc tôn trọng pháp luật quốc tế là điểm đặc trưng và nguyên tắc bất di bất dịch trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ chưa bao giờ thực hiện chính sách đối ngoại trung lập theo một định chế cứng nhắc, và sử dụng chính sách đối ngoại trung lập như một công cụ thích hợp trong từng thời kỳ để bảo vệ lợi ích của Thụy Sĩ. Chính phủ Thụy Sĩ cho rằng trong tình hình tuy chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhưng tình hình chính trị-an ninh thế giới vẫn căng thẳng, mất ổn định, nguy hiểm, chính sách trung lập vẫn là một công cụ thích hợp cho việc thực thi chính sách đối ngoại và an ninh của Thụy Sĩ, và Thụy Sĩ cam kết không đứng vào bên nào trong các cuộc xung đột theo trách nhiệm và nghĩa vụ luật quốc tế quy định đối với các quốc gia trung lập.
Thụy Sĩ tham gia vào các hoạt động trừng phạt mang tính chất đa phương do Liên Hiệp Quốc khởi xướng hoặc qua Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE) để chống lại một quốc gia nào được coi là phá hoại hòa bình, hoặc vi phạm pháp luật quốc tế cũng phù hợp với nguyên tắc trung lập.
Theo: duhoctoancau.com